Thời kỳ là Tấn vương Lý Tồn Úc

Củng cố quyền lực ban đầu

Sau khi Lý Khắc Dụng qua đời, thoạt đầu Lý Khắc Ninh duy trì kỷ luật trong quân đội, không ai dám tạo ra xáo trộn. Trong khi đó, các quan lại và tướng sĩ không kính trọng Lý Tồn Úc- khi đó mới 22 tuổi, và họ liên tục bình phẩm. Lý Tồn Úc lo sợ nên đã giao quyền chỉ huy quân đội cho Lý Khắc Ninh, song Lý Khắc Ninh từ chối, nói rằng Tồn Úc mới là người kế nhiệm hợp pháp. Theo ý của Lý Khắc Ninh và Trương Thừa Nghiệp, Lý Tồn Úc xưng thừa tập Tấn vương, Hà Đông tiết độ sứ.[3]

Nhiều dưỡng tử của Lý Khắc Dụng làm quan cho Tấn, họ nhiều tuổi hơn và có tài năng quân sự hơn Lý Tồn Úc, những người này do đó cũng không tôn trọng Lý Tồn Úc, nhiều người từ chối đến yết kiến, và một số từ chối khấu đầu. Một trong số họ là Lý Tồn Hạo (李存顥) cố gắng thuyết phục Lý Khắc Ninh đoạt lấy quyền chỉ huy, song Lý Khắc Ninh từ chối lời đề nghị. Sau đó, Lý Tồn Hạo và một số dưỡng tử khác đã sai vợ của họ đến thuyết phục vợ của Lý Khắc Ninh là Mạnh phu nhân.[3] Mạnh phu nhân thuận theo và bà thúc giục Lý Khắc Ninh, khiến quyết tâm của Lý Khắc Ninh lay chuyển. Sau đó, Lý Khắc Ninh giết chết Đô ngu hậu Lý Tồn Chất (李存質), mà không được sự chấp thuận của Lý Tồn Úc, Lý Khắc Ninh cũng yêu cầu được giữ chức Đại Đồng[chú 15] tiết độ sứ, Lý Tồn Úc chấp thuận.[3]

Mặc dù vậy, Lý Tồn Hạo sau đó lên kế hoạch cụ thể, được Lý Khắc Ninh chấp thuận không chính thức, theo đó sẽ bắt Lý Tồn Úc khi Tồn Úc đến phủ của Lý Khắc Ninh, rồi giải Lý Tồn Úc và Tào thái phu nhân đến chỗ hoàng đế Hậu Lương, đoạt lấy Hà Đông. Lý Khắc Ninh gặp Sử Kính Dung (史敬鎔) để thuyết phục người này tham gia vào âm mưu và giám sát Lý Tồn Úc. Sử Kính Dung giả bộ chấp thuận, song sau đó đã báo lại cho Lý Tồn Úc. Lý Tồn Úc gặp Tào thái phu nhân và Trương Thừa Nghiệp, thoạt đầu Lý Tồn Úc muốn từ nhiệm để tránh xung đột, song Trương Thừa Nghiệp thuyết phục được Lý Tồn Úc chống lại Lý Khắc Ninh. Trương Thừa Nghiệp cũng lệnh Lý Tồn Chương, Ngô Củng, Lý Tồn Kính (李存敬) và Chu Thủ Ân (朱守殷) chuẩn bị chống Lý Khắc Ninh.[3]

Vào ngày Nhâm Tuất tháng 2 năm Mậu Thìn (25 tháng 3 năm 908,[1]) Lý Tồn Úc tổ chức tiệc trong phủ của mình, tất cả quan lại cao cấp đều đến tham dự. Tuy nhiên, Lý Tồn Úc cho binh sĩ phục kích từ trước, và trong bữa tiệc, họ tiến ra bắt giữ Lý Khắc Ninh và Lý Tồn Hạo, sau đó hành quyết.[3]

Trong khi đó, cuộc khủng hoảng tại Lộ châu vẫn tiếp diễn. Tuy nhiên, vì cho rằng Lộ châu sẽ tự sụp đổ một khi không có cứu viện sau khi Lý Khắc Dụng qua đời (đặc biệt là bởi Lý Tồn Úc lệnh cho Chu Đức Uy đem quân quay về Thái Nguyên một thời gian), Chu Toàn Trung rời đi, để các tướng lĩnh của mình ở lại tiếp tục bao vây thành. Lý Tồn Úc quyết định thân chinh nhằm giải vây cho Lộ châu. Lý Tồn Úc và Chu Đức Uy giáp công từ hai phía, quân Hậu Lương bị bất ngờ và sụp đổ, cuộc bao vây Lộ châu kết thúc.[3]

Lý Tồn Úc sau đó thực hiện các chính sách hiệu quả, giúp cho Tấn vào những năm sau đó dần hồi phục sức mạnh từng chạm đáy vào những năm cuối thời Lý Khắc Dụng. Theo như mô tả của sử gia thời Tống Tư Mã Quang trong Tư trị thông giám:[3]

Mệnh châu huyện cử hiền tài, truất quan tham tàn, khoan tô phú, an phủ người cô cùng, chấn chỉnh việc oan lạm, ngăn chặn bọn trộm cướp, trong cương giới là cảnh đại trị. Do Hà Đông đất hẹp binh thiếu, bèn huấn luyện sĩ tốt, lệnh kị binh không được cưỡi ngựa khi chưa thấy địch. Khi bố trí đã định, không được vượt quá giới hạn hay trao đổi phần việc quy định, không được chậm trễ hòng thoát nguy hiểm. Phân đạo tịnh tiến, không được sai thời gian. Kẻ phạm phải tất bị xử trảm. Cho nên có thể chiếm lấy Sơn Đông (phía đông Thái Hành Sơn) và lấy Hà Nam (phía nam Hoàng Hà) do sĩ tốt vốn đã tinh chỉnh.

Lý Tồn Úc cũng bắt đầu thực hiện quyền lực hoàng đế, thừa chế phong bái nhân danh Hoàng đế Đường (mặc dù khi đó không tồn tại) — một quyền mà Đường Chiêu Tông ban cho Lý Khắc Dụng trước đó, song Lý Khắc Dụng chưa từng thực hiện. Lý Tồn Úc rất tin tưởng Trương Thừa Nghiệp, kính trọng xem Trương Thừa Nghiệp là 'anh'.[3]

Trong một thời gian sau đó, Lý Tồn Úc không tiến hành các chiến dịch lớn, song sau khi Lưu Thủ Quang lật đổ cha là Lưu Nhân Cung và đoạt lấy Lô Long.[3] Lý Tồn Úc giúp đỡ Lưu Thủ Quang trong cuộc chiến giữa hai huynh đệ Lưu Thủ Văn và Lưu Thủ Quang,[9] (Lưu Thủ Quang cuối cùng bắt được Lưu Thủ Văn, kiểm soát Lô Long và Nghĩa Xương.) Lý Tồn Úc cũng tham gia tiến công Hậu Lương cùng với nước Kỳ của Lý Mậu Trinh sau khi tướng Lưu Tri Tuấn (劉知俊) của Hậu Lương quay sang quy phục Kỳ.[9]

Cuối năm 910, Hậu Lương Thái Tổ Chu Toàn Trung sinh nghi ngờ các chư hầu là Triệu vương Vương Dung- người kiểm soát Vũ Thuận [chú 16], và Nghĩa Vũ[chú 17] tiết độ sứ Vương Xử Trực, quyết định đoạt lấy lãnh địa của họ. Chu Toàn Trung hành quân lên phía bắc, giả bộ là nhằm giúp Nghĩa Vũ và Vũ Thuận phòng thủ trước khả năng bị Lưu Thủ Quang tiến công, song sau đó chiếm hai châu của Vũ Thuận và đồ sát binh sĩ đồn trú của Vũ Thuận tại địa phương. Trước các sự việc này, Vương Dung bị bất ngờ và quyết định cầu viện cả Lý Tồn Úc và Lưu Thủ Quang. Lưu Thủ Quang từ chối, song Lý Tồn Úc trước tiên sai Chu Đức Uy đi cứu viện, và sau đó đích thân dẫn quân. Tháng 1 ÂL 911, liên quân Tấn/Triệu/Nghĩa Vũ tiêu diệt quân Hậu Lương dưới quyền tướng Vương Cảnh Nhân tại Bá Hương (柏鄉, nay thuộc Hình Đài, Hà Bắc). Sau chiến thắng, Lý Tồn Úc quyết định tiến xa hơn, ông từng bao vây Ngụy châu (魏州, nay thuộc Hàm Đan, Hà Bắc), trị sở của Thiên Hùng (天雄)- một đạo quan trọng của Hậu Lương. Tuy nhiên, do lo sợ trước một đạo quân lớn dưới quyền tướng Hậu Lương Dương Sư Hậu (楊師厚) đang tiến đến, và càng lo ngại rằng Lưu Thủ Quang có thể sinh sự với mình, Lý Tồn Úc quyết định sớm từ bỏ bao vây Ngụy châu, kết thúc cuộc đối đầu lần này với Hậu Lương. Từ đó trở đi, Triệu và Nghĩa Vũ trở thành các thực thể độc lập trên thực tế, song liên minh khăng khít với Tấn, cả ba đều vẫn sử dụng niên hiệu Thiên Hựu (天佑) của triều Đường nhằm biểu thị sự chống đối với Hậu Lương.[9]

Chinh phục Yên

Lưu Thủ Quang cho rằng bản thân nay đủ mạnh để xưng đế, do vậy thuyết phục Vương Dung và Vương Xử Trực ủng hộ để mình trở thành Thượng phụ. Lý Tồn Úc muốn khiến cho Lưu Nhân Cung thêm tự đại để sau này có thể dễ dàng đánh bại, do đó ông cùng với Vương Dung, Vương Xử Trực, và ba tiết độ sứ khác dưới quyền của mình là Lý Tự Chiêu, Chu Đức Uy, Tống Dao (宋瑤) kiến nghị trao cho Lưu Nhân Cung chức Thượng phụ. Lưu Nhân Cung gửi kiến nghị này cho Chu Toàn Trung.[10]

Ngày Giáp Tý tháng 8 năm Tân Mùi (8 tháng 9 năm 911), Lưu Thủ Quang lên ngôi hoàng đế, đặt quốc hiệu là Đại Yên. Lưu Thủ Quang phát động tiến công Nghĩa Vũ, Vương Xử Trực cầu viện Lý Tồn Úc và ông cử Chu Đức Uy đem quân đến điểm tập kết với Triệu và Nghĩa Vũ để cùng tiến công Yên. Chu Đức Uy tiến sâu vào lãnh thổ Yên, Lý Tồn Úc sau đó cũng tiến đến mặt trận. Trong lúc Lý Tồn Úc vắng mặt, Chu Toàn Trung tiến công Tấn và Triệu để phục thù, song bị các tướng Tấn là Lý Tồn Thẩm (李存審), Sử Kiến Đường (史建瑭) và Lý Tự Quăng (李嗣肱) đánh bại, và phải từ bỏ ý định cứu viện Lưu Thủ Quang.[10]

Khi chiến dịch đánh Yên đang diễn ra, Chu Toàn Trung bị con là Dĩnh vương Chu Hữu Khuê ám sát, Chu Hữu Khuê trở thành hoàng đế của Hậu Lương. Tướng Hậu Lương là Hộ Quốc[chú 18] tiết độ sứ Chu Hữu Khiêm (朱友謙) từ chối quy phục Chu Hữu Khuê, và quay sang quy phục Tấn, cầu viện Lý Tồn Úc. Đến tháng 9 ÂL, Chu Hữu Khuê sai tướng Khang Hoài Trinh (康懷貞) tiến đánh Chu Hữu Khiêm, Lý Tồn Úc đến cứu viện Chu Hữu Khiêm và đẩy lui cuộc tiến công của Khang Hoài Trinh, buộc Khang Hoài Trinh phải triệt thoái. Chu Hữu Khiêm đến năm 913 lại quay sang quy phục Hậu Lương khi Chu Hữu Trinh lật đổ Chu Hữu Khuê,[10] song sau đó lại quy phục Tấn.)[11]

Tháng 4 ÂL năm 913, Chu Đức Uy bao vây kinh thành U châu (幽州) của Yên. Đến tháng 10 ÂL, Lưu Thủ Quang tuyệt vọng và tuyên bố rằng nếu Lý Tồn Úc đích thân đến U châu thì sẽ đầu hàng. Ngày Giáp Thìn tháng 11 (6 tháng 12), Lý Tồn Úc cho Giám quân Trương Thừa Nghiệp quyền làm chủ quân phủ sự, tự mình đến U châu, ngày Tân Dậu cùng tháng (23 tháng 12 thì một mình cưỡi ngựa đến dưới thành U châu, song Lưu Thủ Quang lại không giữ lời mặc dù Lý Tồn Úc đảm bảo sẽ tha mạng nếu ông ta chịu đầu hàng. Ngày hôm sau, Lý Tồn Úc đốc chư quân 4 mặt đánh thành, U châu thất thủ.[10] Lưu Thủ Quang cùng vợ con chạy trốn, song sau đó bị bắt giữ.[10][12] Lý Tồn Úc đưa Lưu Thủ Quang cùng gia đình, bao gồm cả Lưu Nhân Cung đến Thái Nguyên, và sau đó hành quyết. Lý Tồn Úc bổ nhiệm Chu Đức Uy là Lô Long tiết độ sứ và trao lãnh thổ cũ của Yên cho người này quản lý. Sau chiến thắng, Vương Dung và Vương Xử Trực sai sứ đến suy tôn Lý Tồn Úc tước Thượng thư lệnh (尚書令) — một tước hiệu mà không có thần dân Đường nào dám nhận vì Đường Thái Tông từng mang tước này. Lý Tồn Úc thoạt đầu từ chối, song sau đó chấp thuận tước hiệu, và cũng bắt đầu khai phủ lập hành đài giống như Đường Thái Tông khi còn là Tấn vương.[12]

Chiến dịch ban đầu chống Hậu Lương

Không còn lo sợ cảnh bị Yên tiến công, Lý Tồn Úc quyết định mở đầu chiến dịch chống kình địch Hậu Lương, liên kết với Triệu và Nghĩa Vũ. Tháng 7 ÂL năm 914, Lý Tồn Úc tiến công vào đạo Thiên Hùng của Hậu Lương, song bị Thiên Hùng tiết độ sứ Dương Sư Hậu đẩy lui, đến tháng 8 ÂL thì Lý Tồn Úc trở về Tấn Dương.[12]

Tuy nhiên, việc Dương Sư Hậu qua đời năm 915 đem lại cho Tấn một cơ hội lớn. Chu Hữu Trinh (lúc này đổi tên thành Chu Trấn) e ngại trước sức mạnh của quân đội Thiên Hùng, vì thế quyết định chia Thiên Hùng thành hai đạo là Thiên Hùng mới với thủ phủ là Ngụy châu, Hạ Đức Luân (賀德倫) là tiết độ sứ, và Chiêu Đức (昭德) với trị sở tại Tương châu[chú 19] và tiết độ sứ là Trương Quân (張筠). Binh lính Thiên Hùng lo ngại và tức giận về việc chia tách, do vậy họ tiến hành binh biến dưới quyền lãnh đạo của Trương Ngạn (張彥), bắt Hạ Đức Luân làm con tin. Khi Chu Trấn từ chối đáp ứng yêu cầu bãi bỏ việc chia tách của Trương Ngạn, Trương Ngạn buộc Hạ Đức Luân phải viết thư cho Lý Tồn Úc, đề nghị dâng Thiên Hùng đầu hàng Tấn. Lý Tồn Úc đến Thiên Hùng vào tháng 5 ÂL, giết Trương Ngạn hung bạo giảo trá, tự phong là Thiên Hùng tiết độ sứ và sáp nhập đạo này vào Tấn. Các cuộc tiến công của Hậu Lương dưới quyền chỉ huy của tướng Lưu Tầm (劉鄩) và Vương Đàn (王檀) thất bại dưới tay Lý Tồn Úc và các bộ tướng của ông. (Thiên Hùng sau đó trở thành một nguồn cung cấp lớn về nhân lực và vật lực cho các chiến dịch của Lý Tồn Úc.) Việc Thiên Hùng rơi vào tay Tấn khiến cho các đạo của Hậu Lương ở bờ bắc Hoàng Hà là Bảo Nghĩa[chú 20], và Thuận Hóa[chú 21] bị cô lập, và đến 916, chúng cũng rơi vào tay Tấn, Hậu Lương chỉ còn lại thành Lê Dương[chú 22] ở bờ bắc Hoàng Hà.[12]

Tuy nhiên, Tấn sớm gặp phải thách thức từ Khiết Đan ở phía bắc, Hoàng đế Da Luật A Bảo Cơ của Khiết Đan tiến hành một cuộc tiến công lớn vào Lô Long trong năm 917, bao vây U châu. Mặc dù Lý Tồn Úc cùng các bộ tướng (Lý Tự Nguyên, Lý Tồn Thẩm, Diêm Bảo (閻寶)) sau đó đẩy lui được người Khiết Đan, song người Khiết Đan sau đó định kỳ xâm nhập Lô Long.[13]

Đến đông năm 917, Lý Tồn Úc cho rằng có triển vọng trong việc tiêu diệt Hậu Lương, do vậy ông tập hợp toàn bộ các tướng lĩnh chủ chốt, chuẩn bị vượt Hoàng Hà đang đóng bằng và tiến công kinh thành Đại Lương của Hậu Lương. Tuy nhiên, sau đó có vẻ như ông lại đổi ý, muốn trước tiên tiêu diệt đội quân chủ đạo của Hậu Lương đang nằm dưới quyền quản lý của Hạ Côi (賀瓌) và giành vài tháng để cướp phá lãnh thổ nằm ven Hoàng Hà của Hậu Lương. Ngày Nhâm Tuất (23) tháng 12 năm Mậu Dần (27 tháng 1 năm 919), hai cánh quân tập hợp tại Hồ Liễu Pha[chú 23], ngay phía nam của Hoàng Hà. Sang ngày hôm sau, tức ngày Quý Hợi (28 tháng 1 năm 919), mặc dù Chu Đức Uy đề nghị rằng nên khiến cho quân Hậu Lương hao mòn rồi mới giao chiến, tuy nhiên Lý Tồn Úc không nghe theo và hạ lệnh tiến hành một cuộc tiến công trực tiếp, quân Tấn thảm bại, phụ tử Chu Đức Uy đều tử chiến. Trải qua thất bại thảm hại ban đầu, Lý Tồn Úc đóng quân trên một ngọn đồi và dùng nó để phản công, giáng cho quân Hậu Lương tổn thất nặng nề, trận chiến kết thúc với kết quả thực chất là hòa. Theo mô tả, cả Tấn và Lương đều mất hai phần ba số binh sĩ vào ngày này, và đều bị suy yếu trong một thời gian.[13]

Hợp nhất Triệu và Nghĩa Vũ vào Tấn

Cuối năm 920, khi Triệu vương Vương Dung dành nhiều tháng ở vùng Tây Sơn nghỉ ngơi và từ chối quay lại thủ đô Trấn châu (鎮州) của Triệu, Hành quân tư mã Lý Ái (李藹) và hoạn giả Lý Hoằng Quy (李弘規) huy động binh sĩ để buộc Vương Dung phải trở về, các binh sĩ sát hại hoạn giả Thạch Hi Mông (石希蒙) được Vương Dung rất tin tưởng. Sau đó, Vương Dung sát hại Lý Ái và Lý Hoằng Quy, giảo phó quyền lực quốc gia cho nhi tử là Vương Chiêu Tộ và nghĩa tử Vương Đức Minh. Các binh sĩ còn lại sợ rằng họ cũng sẽ bị trừng phạt, do vậy vào tháng 2 ÂL năm 921, họ tiến hành binh biến và đồ sát Vương Dung cùng gia đình, ủng hộ Vương Đức Minh (sau đó cải về nguyên danh Trương Văn Lễ) làm lãnh đạo.[11]

Trương Văn Lễ đề nghị quy phục làm chư hầu của Lý Tồn Úc, Lý Tồn Úc mặc dù rất buồn trước sự việc Vương Dung bị sát hại, song đến tháng 4 ÂL vẫn thừa chế bổ nhiệm Trương Văn Lễ là Thành Đức (成德, tức là Triệu) lưu hậu. Tuy nhiên, Trương Văn Lễ vẫn e dè trước Lý Tồn Úc, do đó người này tiến hành thương lượng với cả Hoàng đế Chu Trấn của Hậu Lương và Hoàng đế Da Luật A Bảo Cơ của Khiết Đan, tuy nhiên các phụ tá của Chu Trấn can gián việc ủng hộ Trương Văn Lễ. Phù Tập (符習) là người chỉ huy phân đội quân Triệu trong đội quân của Lý Tồn Úc, người này muốn báo thù cho gia tộc họ Vương nên cầu xin Lý Tồn Úc chống Trương Văn Lễ. Ngày Canh Thân tháng 8 (11 tháng 9) Lý Tồn Úc phong Phù Tập làm Thành Đức lưu hậu, hành quân về phía bắc. Ngày Giáp Tý (15 tháng 9), lính Tấn đánh chiếm Triệu châu, Trương Văn Lễ hay tin thì kinh sợ mà chết. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của con Trương Văn Lễ là Trương Xử Cẩn (張處瑾), loạn binh Thành Đức vẫn kháng cự.[11]

Một đồng minh khác của Tấn là Nghĩa Vũ cũng xảy ra khủng hoảng, Vương Xử Trực lo ngại rằng một khi Tấn chinh phục được đất Triệu thì Nghĩa Vũ chắc chắn sẽ bị sáp nhập vào lãnh thổ Tấn, và do đó tán thành việc tha thứ cho Trương Văn Lễ. Khi bị Lý Tồn Úc khước từ đề nghị, Vương Xử Trực quyết định bí mật đàm phán với Hoàng đế Da Luật A Bảo Cơ của Khiết Đan để mởì Da Luật A Bảo Cơ xâm nhập Tấn, liên lạc thông qua con là Vương Úc (王郁)- đang là một sĩ quan Tấn ở biên giới với Khiết Đan. Vương Úc chấp thuận khi Vương Xử Trực hứa rằng sẽ cho người này thừa kế thay vì nghĩa tử Vương Đô. Tuy nhiên, quan lại Nghĩa Vũ không muốn thấy Khiết Đan xâm nhập, Vương Đô tận dụng điều này để tiến hành binh biến chống Vương Xử Trực. Vương Đô cho quản thúc Vương Xử Trực, đồ sát các hậu duệ của Vương Xử Trực tại thủ phủ Định châu (定州) của Nghĩa Vũ. Vương Đô sau đó thông báo dự việc cho Lý Tồn Úc, Lý Tồn Úc bổ nhiệm Vương Đô là Nghĩa Vũ lưu hậu, trên thực tế biến Nghĩa Vũ thành chư hầu.[11]

Đến tháng 11 ÂL, Hoàng đế Khiết Đan đem quân xâm nhập do bị Vương Úc thuyết phục rằng Thành Đức và Nghĩa Vũ là những vùng đất giàu có. Đến tháng 12 ÂL năm Tân Tị, Lý Tồn Úc để các tướng lĩnh của mình bao vây Trấn châu, đích thân đem quân đi giáp chiến với quân Khiết Đan. Ông đánh bại quân Khiết Đan, buộc Hoàng đế Khiết Đan phải rút lui vào tháng 1 ÂL năm Nhâm Ngọ, quân Thành Đức mất đi đồng minh.[11]

Quân Tấn phái chịu một số tổn thất nghiêm trọng khi chống lại loạn binh Thành Đức:

  • Sử Kiến Đường bị sát hại trên chiến trường.
  • Diêm Bảo bị đánh bại và buộc phải triệt thoái, Diêm Bảo sau đó qua đời trong hổ thẹn.
  • Lý Tự Chiêu bị thương trí mạng rồi qua đời.
  • Lý Tồn Tiến (李存進) cũng bị sát hại trên chiến trường.

Trong khi đó, Lý Tồn Thẩm và Lý Tự Nguyên đánh lui một đội quân Lương dưới quyền chỉ huy của Đái Tư Viễn (戴思遠). Lý Tồn Úc sau đó ủy quyền cho Lý Tồn Thẩm tiến công quân Thành Đức, Trấn châu thất thủ. Lý Tồn Úc sát hại Trương Xử Cẩn cùng huynh đệ, sáp nhập Thành Đức vào lãnh thổ của mình.[11]

Tuy nhiên, việc Lý Tự Chiêu qua đời vào tháng 4 ÂL Năm 922 gây ra một cơn khủng hoảng khác cho Lý Tồn Úc lúc ông đang chuẩn bị xưng đế. Sau khi Lý Tự Chiêu qua đời, các con của người này không thụ mệnh của Lý Tồn Úc là quy táng Lý Tự Chiêu tại Tấn Dương, mà lại đưa di hài về Lộ châu. Sau đó, con của Lý Tự Chiêu là Lý Kế Thao (李繼韜) đoạt lấy quyền lực tại Chiêu Nghĩa, Lý Tồn Úc không muốn tạo thêm nhiều loạn nên quyết định đổi Chiêu Nghĩa quân thành An Nghĩa (安義) (để húy kỵ Lý Tự Chiêu) và phong Lý Kế Thao làm lưu hậu.[11] Tuy nhiên, sau đó do e sợ rằng Lý Tồn Úc sẽ có hành động chống lại mình, đặc biệt là khi Lý Tồn Úc triệu Giám quân Trương Cư Hàn (張居翰) và Tiết độ phán quan Nhâm Hoàn (任圜) đến Ngụy châu- nơi đang đặt chính phủ lâm thời, Lý Kế Thao quyết định dâng An Nghĩa cho Hậu Lương. Chu Trấn hết sức hài lòng, đổi tên An Nghĩa quân thành Khuông Nghĩa (匡義), cho Lý Kế Thao làm tiết độ sứ.[2]